noi-khong-voi-tui-nilon-nhu-dat-nuoc-singapore-cua-chau-phi-nay

Nói không với túi nilon như đất nước “singapore của châu phi” này

TỐNG VĂN QUYẾT 30/08/2018

1.    Nhìn thẳng vào hiện trạng nhức nhối của việc tiêu thụ túi nilon trên thế giới

Một trong những thành tựu lớn của Khoa học – kỹ thuật trong thế kỷ 20 là việc con người tìm ra công nghệ vật liệu nhựa. Từ lúc chúng ra đời cho đến nay, loại vật liệu này đã tỏ rõ ưu thế của mình và nhanh chóng lan tỏa tới hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, dịch vụ và đời sống xã hội. Điều khá dễ hiểu, các vật dụng làm từ nhựa có ưu thế hơn về tính nhẹ, không thấm nước, bền, rẻ…nên đã sớm được sử dụng phổ biến, tiêu biểu nhất ở đây phải kể ra đó là Túi Nilon. Rõ ràng, những chiếc túi nilon tiện dụng với đủ kích cỡ được cấp miễn phí để các bà các mẹ đi chợ mua sắm, đựng đồ mang về. Quả thật, chúng ta không thể phủ nhận sự tiện dụng của những chiếc túi nilon, nhưng bạn chẳng nhẽ không nhận ra túi nilon chính là thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bậc nhất hiện nay hay sao?

 

Rác thải từ chất dẻo và đặc biệt là túi Nilon đang gia tăng đáng báo động

Theo báo cáo của Liên hợp quốc thì trên thế giới cứ mỗi phút sẽ tiêu thụ 1 triệu chai nhựa trong khi mỗi năm có đến 5000 tỷ túi nhựa dùng một lần được sử dụng. Mỗi năm, thế giới thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số thế giới. Trong 50 năm qua, lượng nhựa mà chúng ta tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự là còn tăng gấp đôi trong 20 năm tới, tuy nhiên bạn biêt rồi đó, nhựa nói chung hay túi nilon nói riêng có đặc tính rất khó phân hủy. Một chiếc túi nilon nhiều khi chỉ được sử dụng trong 5 phút và chỉ mất 5 giây để sản xuất , 1 giây để vứt bỏ nhưng để phân hủy chúng thì bạn biết là cần mất bao lâu không ạ, 500 – 1000 năm đó bạn tôi ơi. Có tới 1/3 số túi nilon mà con người đã thải ra không được thu gom và xử lý, hậu quả là rác thải nhựa tích tụ lại tràn lan ở khắp mọi ngóc ngách, sông ngòi, ao hồ, cầu cống…gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là ô nhiễm trắng. Giới phân tích đã nhận định nếu mà tốc độ sử dụng sản phẩm nhựa cũng như túi nilon tiếp tục tăng cao thì sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống ao hồ biển.

 

Cảnh một cánh đồng "rác" tại một đất nước Đông Nam Á

Một thực tế vẫn đang diễn ra theo chiều hướng nghiêm trọng hơn, những chiếc túi nilon với đủ các loại kích cỡ, màu sắc nằm xen lẫn trong các loại rác thải, phế thải khác, nằm trơ ra và không hề bị suy giảm. Đồng nghĩa với việc khó phân hủy, chúng sẽ làm tắc nghẽn cống rãnh, làm ứ đọng nước thải khiến ruồi muỗi, dịnh bệnh phát sinh, phá hỏng đi mỹ quan nông thôn và đô thị. Túi nilon nằm lẫn trong đất ruộng, vườn gây cản trở cho cây trồng trong việc hút nước và các chất dinh dưỡng từ đất. Còn việc chúng ta nếu đốt túi nilon và các đồ nhựa nói chung sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến bầu không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Theo các nhà khoa học, túi nilon có chứa lưu huỳnh, dầu hỏa nên khi bị đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành acid sulfuric gây ra mưa axit. Tệ hơn nữa, khi túi nilon làm bằng nhựa PVC có chứa Clo, khi chúng bị cháy sẽ tạo ra chất dioxin vô cùng độc hại, gây ung thư đối với con người. Bạn thấy đấy, có quá nhiều hệ lụy phát sinh khiến ta phải cảnh tình và suy ngẫm.

2.    Một lá cờ đầu trong công cuộc bảo vệ môi trường tại lục địa đen khiến chúng ta phải suy ngẫm và học hỏi

Có thể các bạn chưa từng biết cũng chưa mảy may nghĩ tới chuyện đánh thuế vào những chiếc túi nilon sử dụng một lần. Nhưng vào năm 2008, tại một quốc gia nhỏ bé ở Châu Phi, việc sử dụng những chiếc túi polythene không phân hủy là một điều bất hợp pháp, quốc gia đó chính là Rwanda. Quốc gia nhỏ bé vùng Đông Phi này đã ra một quyết định cấm tuyệt đối việc sử dụng túi nilon bằng việc đánh thuế rất nặng. Câu chuyện như vậy, tại sân bay Quốc tế Kigali, có một biển báo nhắc nhở hành khách rằng túi Nilon sẽ bị tịch thu và ngay cả nilon bọ hành lý cũng sẽ được nhân viên của Cơ quan Quản lý Môi trường Rwanda xử lý. Toàn bộ những người kinh doanh trên đất nước nhỏ bé này đã phải thay thế toàn bộ túi nilon bằng túi giấy. Lệnh cấm này có thể coi là một nước đi vô cùng là đúng đắn và sáng suốt của một đất nước không quá giàu có và phát triển, một quyết định được nhiều người dân ủng hộ nhiệt tình. Và kết quả sau đó có thể thấy, điều ấn tượng mà người ta bước chân tới đất nước này có lẽ đó là sự sạch sẽ, nhất là khi bạn vừa di chuyển từ những quốc gia láng giềng sang, bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy những ngọn núi rác quen thuộc, một hình ảnh khá phổ biến ở các quốc gia châu Phi khác, không một chiếc túi nilon nào được phát hiện đang treo lửng lơ trên cành cây và phất phơ trong gió cả.

 

Một đất nước xinh đẹp không bóng dáng túi nilon phất phơ trước gió

Tại Kigali – thủ đô của “Singapore châu Phi” còn thể hiện rõ rệt hơn rất nhiều, với những quảng trường đầy cây xanh mướt và những đại lộ rộng lớn phủ bóng cây, một thành phố có thể coi là xinh đẹp nhất tại Lục địa đen. Và hình ảnh này đủ để dạy cho những thành phố lớn tại phương Tây cũng như phương Đông một bài học sâu sắc. Và lệnh cấm túi nilon cũng chỉ là bước khởi đầu cho Rwanda, đó chỉ là một phần của kế hoạch Tầm nhìn 2020 để biến quốc gia này thành một quốc gia bền vững với mức thu nhập tốt. Và sau cùng, Rwanda đang tìm cách cấm những loại chất nhựa dẻo khác và nỗ lực biến mình trở thành quốc gia không chất dẻo đầu tiên trên thế giới. Trong hiến pháp quốc gia Rwanda, họ viết rằng “mọi công dân đều phải được hưởng một môi trường đảm bảo sức khỏe”. Và họ cũng nhấn mạnh vào trách nhiệm của môi công dân là phải “ bảo vệ và thúc đẩy môi trường”. 

 

Rwanda - Một ngọn cờ đầu tại Châu Phi với chiến dịch bảo vệ môi trường và ngăn chặn rác thải nhựa vô cùng thông minh và sáng suốt

Tuy Rwanda còn chưa ổn định kể từ cuộc diệt chủng vô cùng kinh hoàng và đau thương với hơn 800.000 người chết vào năm 1994, Quốc gia nhỏ bé này vốn có thể bỏ lệnh cấm túi nilon khi nó là trở ngại không cần thiết cho nền kinh tế không phát triển của mình. Họ đã có thể lựa chọn cách đặt một mức thuế đơn giản với túi nilon như nhiều thành phố tại Hoa Kỳ đang áp dụng, nhưng mối lo ngại chính mà các nhà chức trách đang đau đầu đó là việc xử lý sau khi sử dụng. Hầu hết, lựa chọn nhanh nhất là người ta đem đi đốt những sẽ tiếp tay giải phóng các chất thải độc hại làm ô nhiễm bầu không khí. Biết rằng điều kiện kinh tế đấ nước còn hạn chế, cơ sở vật chất chưa thực sự phát triển, Rwanda đã nảy ra một chiến lược vô cùng thông minh để biến lệnh cấm này thành một cú hích kinh tế. Các vị lãnh đạo, cads nhà cầm quyền cùng chung tay khuyến khích những công ty trước đây từng sản xuất túi nilon chuyển sang tái chế chúng bằng việc đem lại những ưu đãi lớn về thuế. Và chính sách này vô hình chung cũng tạo ra một thị trường cho những túi đựng thân thiện với môi trường như túi vải môi trường hay túi giấy vốn gần như không hề có mặt tại quốc gia châu Phi nhỏ bé này trước khi có lệnh cấm. Điều đáng nói, túi vải - một công cụ marketing truyền thông hữu hiệu đang được nhiều quốc gia sử dụng như một giải pháp về lâu dài để thay thế dần dần túi nilon, con người cũng sẽ sớm nhận thức được và thay đổi ngay những thói quen tiêu dùng hàng ngày của mình nhưng chắc chắn không thể một sớm một chiều được mà cần có thời gian cũng như là chính phủ sẽ có những chính sách thông minh như của đất nước Rwanda này.

Đến giờ đã là năm thứ mười kể từ khi Rwanda phát động chiến dịch này, tuy đây chưa phải là một chính sách hoàn hảo, những chợ đen béo bở cho những chiếc túi nilon bị xa lánh, một lượng tiêu thụ lớn túi giấy cũng bắt đầu khiến chức trách lo ngại về nạn phá rừng, nhưng thực tế thì việc một quốc gia đang phát triển tại lục địa đen phải đối mặt với những thách thức to lớn  vẫn có thể thực thi được những đường lối, chính sách thông minh như vậy quả là rất đột phá rồi đúng không các bạn, các nước bạn có tiềm lực kinh tế có lẽ cũng phải ngả mũ trước những gì mà Rwanda đã, đang và sẽ làm trong tương lai rất nhiều đấy.


 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN